Chinh phục đông trùng hạ thảo

Năm lần bảy lượt thất bại, “xôi hỏng bỏng không”, vốn cạn kiệt, nhưng anh Đoàn Quốc Anh Khôi (35 tuổi, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) vẫn quyết tâm chinh phục đông trùng hạ thảo. Và rồi, có công mài sắt có ngày nên kim, sau 6 năm ròng rã nghiên cứu, tìm tòi, sản xuất, anh đã trở thành người đầu tiên trên địa bàn tỉnh thành công trong việc sản xuất giống, nhân giống và làm ra nhiều các sản phẩm đông trùng hạ thảo.

“Thất bại như cơm bữa”

“Số lần thất bại đã đủ trên đầu ngón tay. Nhưng không phải vì mình hấp tấp, vội vã, mà vì đông trùng hạ thảo còn quá mới”- anh Khôi điềm tĩnh, mở đầu câu chuyện chinh phục đông trùng hạ thảo của mình.

Vốn là học sinh chuyên Sinh, từng học đại học về sinh học môi trường, song, những ngã rẽ của cuộc sống khiến anh không thể đi theo con đường mình muốn chọn. Nhưng đam mê như một ngọn lửa âm ỉ. Cho đến khi đọc được những thông tin về công dụng của đông trùng hạ thảo, ngọn lửa đam mê lại bùng cháy. Và anh quyết chinh phục những điều mới mẻ, làm những điều chưa mấy ai dám làm.

Năm 2014, ở Việt Nam, chưa mấy ai chinh phục đông trùng hạ thảo. Ngay cả anh, ngoài tài liệu qua mạng internet và sách vở, chưa một lần được nhìn thấy đông trùng hạ thảo từ thực tế. “Càng mới thì càng có sức hút để khám phá. Nhưng để làm được buộc phải tìm hiểu thật kỹ về nó (đông trùng hạ thảo)” – anh Khôi nói. Đó cũng chính là lý do anh tự lặn lội sang Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản để học hỏi, tìm hiểu quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo.


Anh Khôi giới thiệu với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang về quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo. Ảnh: H.T

Mỗi lần đi, ngoài việc tích lũy những kiến thức trọng tâm, anh đều mua con giống về để biến lý thuyết thành hiện thực. Nhưng 20 ống giống từ Trung Quốc và Thái Lan, sau 3 tháng nuôi cấy đều thất bại, khiến anh mất khoảng 200 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại. Không bỏ cuộc, trong lần đến Nhật Bản, anh tiếp tục mua thêm 10 ống giống về thực hiện. Sau thời gian nuôi cấy, anh thét gào trong hạnh phúc vì tỉ lệ thành công đạt 70%.

Nhưng cũng chính thời điểm này, trong niềm vui, anh nhận ra mình quá lệ thuộc vào giống nước ngoài. “Chi phí mua giống quá cao. Để mang lại giá trị kinh tế, buộc phải chủ động về nguồn giống. Nhưng tạo giống không phải là điều dễ dàng, khi bắt đầu làm, tôi sẵn sàng với thất bại” – anh Khôi cười, chia sẻ.

Vận dụng kiến thức đã từng học thời học sinh, đại học, anh sử dụng gen trội của giống nước Nhật Bản kết hợp với gen trội từ giống mua ở Hàn Quốc để tạo ra giống thuần chủng mới có hàm lượng dưỡng chất cao nhất, phù hợp với điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Mày mò ngày đêm để nghiên cứu thực hiện, nhưng với lỗ hổng về kiến thức cộng thêm điều kiện về trang thiết bị quá hạn chế, như chính mình dự đoán, anh thất bại. Dù đã sẵn sàng, song việc thất bại liên tiếp khiến anh cụt vốn và mệt mỏi. “Nản ghê lắm! Nhiều lúc muốn “đá đổ, dẹp nghỉ”, nhưng rồi sự động viên của gia đình, người thân đã tiếp thêm động lực”- anh nhớ lại.

Có ngày nên kim

Giữa những chông chênh của thất bại, anh vực dậy ý chí, quyết tâm thực hiện, không để người thân, bạn bè thất vọng. Và rồi thất bại cũng phải chào thua ý chí, anh đã sản xuất thành công con giống. Anh muốn thét lên trong hạnh phúc khi con giống được lai tạo đạt hiệu quả ngoài mong đợi, có hàm lượng dược chất chính: Cordycepin đạt 757mg/100g, hàm lượng adenosine đạt 212mg/100g (tương đương với đông trùng hạ thảo tự nhiên của Tây Tạng – nguồn gốc của đông trùng hạ thảo).

Ròng rã 5 năm trời nghiên cứu, sản xuất thành công con giống, đến năm 2019, anh bắt đầu thực hiện cấy nhân giống. Anh lại thất bại. Sau 4 lần cấy giống, anh hư khoảng 8.000 hộp giống với thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Nhưng, cũng chính thất bại lần này đã cho anh thêm một bài học kinh nghiệm: “Giống thoái hóa từng ngày, từng giờ, nếu không bảo quản kỹ, sẽ tiếp tục đón thất bại”.


Anh Khôi mất 6 năm để chinh phục đông trùng hạ thảo. Ảnh: H.T

Một lần nữa đứng dậy sau khó khăn, anh Khôi rút kinh nghiệm, làm chuyên tâm hơn, kỹ càng hơn. Đầu năm 2020, mở mắt, thấy giống phát triển, anh vỡ òa trong niềm vui, cầm sản phẩm chạy khoe khắp người thân bạn bè. “Khó diễn tả được niềm vui khi ấy, hạnh phúc đến vô bờ. Cuối cùng, nỗ lực, ý chí và sự kiên trì cũng được đền đáp. Nghĩ lại, đến bây giờ tôi vẫn còn rưng rưng hạnh phúc” – anh Khôi mừng rỡ chia sẻ.

Trong lúc thất bại, có sự hỗ trợ của mọi người, và thời điểm thành công, phải chia sẻ, cùng nhau khởi nghiệp. Không ngủ quên trên chiến thắng, anh lên ý tưởng, chia sẻ để mọi người cùng làm.

Từ ý tưởng của anh, tháng 8/2020, Hợp tác xã Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum được thành lập với 7 thành viên và vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Dù diện tích nuôi trồng còn khiêm tốn nhưng với mục đích mang lại sản phẩm với giá trị cao nhất, an toàn nhất, anh Khôi cùng các thành viên trong hợp tác xã thống nhất, cùng áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quy trình nuôi trồng sản xuất; không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và sử dụng nguyên liệu hoàn toàn hữu cơ tại địa phương (gạo lứt huyết rồng, gạo tím than, nhộng tằm, nước dừa, trứng gà…).


Các sản phẩm đông trùng hạ thảo được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: H.T

Sau 2 đợt thực hiện, từ 37,5kg đông trùng hạ thảo khô, Hợp tác xã đã cho ra các dòng sản phẩm: đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, đông trùng hạ thảo ngâm rượu, nhộng trùng thảo, đế đông trùng hạ thảo sấy khô, bột chăm sóc da đông trùng hạ thảo… “Hữu xạ tự nhiên hương”, đến nay, các sản phẩm đã được ưa chuộng, bày bán tại hầu hết các cửa hàng dược liệu trong tỉnh và ngoài tỉnh: Gia Lai, Đà Nẵng, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.

“Khách hàng cho phản hồi rất tích cực về sản phẩm. Trong thời gian tới, bản thân tôi sẽ cùng với các thành viên trong Hợp tác xã sẽ nỗ lực, phấn đấu để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Vẫn còn những khó khăn và chông chênh, chúng tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền để nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm” – anh Khôi nhấn mạnh.

Vươn lên từ thất bại, anh Khôi càng trân quý sản phẩm được kết tinh từ trí tuệ, mồ hôi, công sức mình bỏ ra. Câu chuyện của anh sẽ là nguồn năng lượng, tiếp thêm động lực để mỗi người đứng lên từ thất bại. Tạm biệt khách, trong nụ cười rạng rỡ, anh Khôi bảo: Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn lắm, nhưng “thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng” – việc đến tận cùng rồi cũng êm xuôi…

“Mỗi lần thất bại đều mang đến những bài học sâu sắc. Thành công từ thất bại càng giúp mình trân quý hơn giá trị của sự nỗ lực, cố gắng”- anh Khôi chiêm nghiệm.

HOÀI TIẾN